CHIA SẺ SÁCH KỸ THUẬT TRỒNG DÂU NUÔI TẰM
— PHẦN 8: KỸ THUẬT NUÔI TẰM LỚN –
PHƯƠNG THỨC
Trước đây tằm lớn được nuôi trên nong, nay được nuôi trên nền nhà với các ưu điểm: không gian nuôi thông thoáng, thao tác đơn giản, giảm cường độ lao động, giảm số bữa ăn, giảm công thay phân san tằm, tiết kiệm dâu và tăng năng suất, tằm tự bò lên né.
NHIỆT ĐỘ & ĐỘ ẨM
Nhiệt độ 23-25oC – độ ẩm 68-75% vượt qua ngưỡng này cần rắc vôi phòng ẩm, thông gió giảm nhiệt. Tằm cần thông thoáng, tránh gió lùa, ánh sáng gay gắt, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột.
LÁ DÂU
Tằm tuổi 4 cần lá dâu bánh tẻ, màu xanh đậm tránh lá già,vàng, bẩn, bệnh. Ruộng dâu được bón phân đầy đủ, cân đối, không hái lá ruộng dâu mới bón phân vô cơ chưa đủ 15 ngày cho tằm ăn.
Để đảm bảo chất lượng, lá dâu sau khi hái về cần bảo quản theo từng luống rộng 1,2-1,5m – dày khoảng 0,4m, dùng vải dày, ẩm phủ lên mặt luống, cứ sau 3-4h đảo tơi 1 lần. Không nên bảo quản lá dâu quá 2 ngày.
CHO TẰM LỚN ĂN
Tằm lớn sức đề kháng yếu, dễ bị bệnh, mỗi ngày cho tằm ăn 3-4 bữa.
Đầu và cuối tuổi rắc 1 lớp lá dâu cho tằm ăn. Giữa tuổi cho ăn dày hơn 1,5-2 lớp lá. Bữa đêm cần cho ăn lớp lá dâu dày hơn ban ngày. Những ngày nắng nóng cho tằm ăn thưa hơn những ngày mát mẻ.
Lá dâu cho tằm ăn phải được đảo tơi trước 5-10 phút, thực hiện nguyên tắc “Trước khi cho ăn phải chỉnh tằm, sau khi cho ăn phải chỉnh lá”
THAY PHÂN, SAN TẰM
Phân và lá thừa lên men làm ô nhiễm tiểu khí hậu nhà nuôi nên phải thay phân nhằm cải thiện môi trường sống và điều chỉnh mật độ giúp tằm khỏe, ăn no, sinh trưởng đồng đều.
Thay phân 1 lần vào cuối tuổi 4 và 1 lần vào tuổi 5 ngày thứ 3 hoặc 4.
Phương pháp thay: Đặt lưới (Hoặc nylon đục lỗ) lên trên luống tằm, rắc dâu cho tằm ăn. Khi tằm đã bò lên thì nhấc lưới tằm ra chỗ trống dọn phân chỗ vừa thay.
Giãn tằm bằng cách mỗi bữa cho ăn trải lá dâu rộng hơn luống tằm từ 3-5cm, tằm sẽ tự bò ra và giãn mật độ, có thể san bằng tay khi cho ăn. Mật độ hợp lý là diện tích nuôi tằm gấp đôi diện tích con tằm chiếm chỗ, quá dày tằm dễ đói, quá thưa sẽ tốn diện tích.