CHIA SẺ SÁCH KỸ THUẬT TRỒNG DÂU NUÔI TẰM
— PHẦN 6: NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỨC SỐNG CỦA TẰM —
TẰM ĂN LÁ DÂU rất mẫn cảm với các điều kiện sống quanh nó như: thức ăn, nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng, gió, môi trường sống…Vì vậy để nuôi tằm tốt cần tạo điều kiện thích hợp cho sự sinh trưởng phát triển của tằm, tích cực phòng bệnh cho tằm và hạn chế tối đa các tác nhân làm ảnh hưởng xấu đến con tằm.
ẢNH HƯỞNG CỦA THỨC ĂN (LÁ DÂU)
Lá dâu là thức ăn duy nhất của con tằm do vậy không có nguồn thức ăn khác bổ sung. Lá dâu cho tằm cần nhiều dinh dưỡng, lá xanh đậm, nhiều nhựa, hái lá đúng tuổi, bảo quản tốt và đủ số lượng. Dâu già, nhiều nước, nhiều đạm, non so với tuổi…. đều ảnh hưởng xấu đến tằm như phát dục không đều, dễ nhiễm bệnh, kén mòng… dẫn đến thất thu cao.
ẢNH HƯỞNG CỦA NHIỆT ĐỘ
Tằm là loại côn trùng máu lạnh, nhiệt độ cơ thể phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường. Nhiệt độ thích hợp cho sinh trưởng, phát triển của tằm là 25 – 30 độ C. Sự tăng nhiệt độ trên giới hạn cho phép và sự giảm nhiệt độ quá thấp sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sinh trưởng phát dục và vì vậy năng suất chất lượng giảm – Đảm bảo nhiệt độ thích hợp tương đối cho tằm là biện pháp quan trọng để có lứa tằm năng suất cao.
Mỗi tuổi tằm có sự thích ứng với nhiệt độ khác nhau. Nhiệt độ thích hợp cho tằm lớn là 24 – 26 độ C, dưới 15 độ C và trên 35 độ C không phù hợp với sinh lý của tằm, tằm dễ phát sinh bệnh, năng suất kén giảm.
Nếu nhiệt độ thấp cần đốt lò tăng nhiệt. Nhiệt độ cao thì dùng quạt thông không khí, tưới ẩm vào nhà, bố trí nhà nuôi tằm cần cao ráo thông thoáng tránh hướng tây, hướng đông.
ẢNH HƯỞNG CỦA ẨM ĐỘ
Nếu nhiệt độ có tác dụng cơ bản trong việc sinh trưởng phát triển của tằm thì ẩm độ có tác dụng chủ yếu trong việc phát sinh bệnh. Ẩm độ quá cao là môi trường thuận lợi cho phát sinh bệnh hại tằm – ẩm độ quá thấp sẽ làm lá dâu mau héo tằm ăn đói, cơ thể thoát hơi nước nhiều dẫn đến cơ thể suy nhược.
Ẩm độ thích hợp cho tằm con từ 80 – 85%, tằm lớn 70-75%. Nếu ẩm độ quá cao thì phải rắc vôi bột, trấu rang vào phòng tằm để giảm ẩm, bữa ăn của tằm phải thưa hơn, buồng nuôi thông thoáng, thay phân nhiều lần. Nếu ẩm độ quá thấp thì số bữa cho ăn phải nhiều hơn, có thể đun nước để tăng ẩm, tằm con nuôi phủ giấy nilon.
ẢNH HƯỞNG CỦA ÁNH SÁNG VÀ GIÓ
Tằm không ưa ánh sáng mạnh, do vậy buồng nuôi cần hơi tối, tránh gió lùa. Đặc biệt đối với gió đông thổi mạnh lúc giao mùa xuân – hè rất có hại đối với tằm; làm nhiệt độ, ẩm độ tăng cao đột ngột làm cơ thể suy nhược. Nếu tằm đang ăn thì ứa nước bọt teo đít rồi chết. Nếu tằm chín thì đứng né rồi chết đen – Vì vậy trong nghề nuôi tằm cần đặc biệt tránh gió đông.